Hội thảo chuyên sâu về giáo dục và đào tạo ngành Công nghệ May và Thiết kế thời trang theo phương pháp tiếp cận năng lực


Đăng ngày: Thứ Tư, 01/12/2021 05:25 AM
view Lượt xem: 965

Thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ năm 2021, đồng thời nối tiếp chuỗi hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên với Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (CREFAP/OIF). Nhà trường tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Ứng dụng phương pháp tiếp cận năng lực trong đào tạo ngành Công nghệ may và Thiết kế thời trang đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Đây là hội thảo chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngành Công nghệ May và Thiết kế thời trang dự kiến sẽ được tổ chức tại Cơ sở Mỹ Hào, Thị xã Mỹ Hào, Tỉnh Hưng Yên vào ngày Thứ Bảy (11/12/2021). Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng 55 năm ngày truyền thống của Nhà trường (21/12/1966 - 21/12/2021)

Nhà trường đã giao cho Khoa Công nghệ May & Thời trang cùng Khoa Sư phạm chủ trì các hoạt động chuyên môn, phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế là đầu mối làm công tác tổ chức. Hội thảo dự kiến thu hút gần 200 khách tham dự bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc lĩnh vực Sư phạm; May & Thiết kế thời trang, các doanh nghiệp may mặc và các nghiên cứu viên. Hiện đã có gần 40 công trình khoa học đề xuất báo cáo và in trong Kỷ yếu tại Hội nghị của các tác giả đến từ khắp các cơ sở giáo dục trên cả nước như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Trường Đại học Lao động - Xã hội, Trường Cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh….Đặc biệt Hội thảo sẽ có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và lân cận.

Các chủ đề chính của Hội thảo bao gồm:

(1) Chương trình đào tạo:

Phát triển chương trình đào tạo ngành Công nghệ May và Thiết kế Thời trang theo định hướng phát triển năng lực;

- Liên kết đào tạo giữa Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo;

Quản lý chất lượng đào tạo ngành Công nghệ May và Thiết kế Thời trang.

 (2) Phương pháp giảng dạy:

Phương pháp và kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực;

- Giảng dạy lý thuyết, thực hành, tích hợp theo định hướng phát triển năng lực;

- Giáo dục thông minh, trường học thông minh, sư phạm thông minh;

- Kỹ năng chuyển đổi và năng lực số;

- Kiểm tra và đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bậc đại học, cao đẳng.

(3) Phát triển đội ngũ/nguồn nhân lực:

Phát triển năng lực của nhà giáo, người học phù hợp với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0;

Chuẩn bị nguồn nhận lực đáp ứng bối cảnh công nghiệp 4.0;

Cơ hội và thách thức đối với sinh viên ngành Công nghệ May & Thời trang trong bối cảnh cuộc cách cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chủ đề trên tập trung chủ yếu hướng tới phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực May và Thiết kế thời trang theo định hướng phát triển năng lực.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu trao đổi và công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Đây là cơ hội tốt cho các giảng viên, các nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, đào tạo trong lĩnh vực Công nghệ May và Thiết kế thời trang nhằm phục vụ tốt hơn như cầu về nguồn nhân lực và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và cộng đồng. Dự kiến các báo cáo sẽ được lựa chọn để đăng trên Tạp chí Giáo dục và Tạp chí Giáo dục nghề nghiệp.