NHÓM 02 BẢO VỆ ĐỀ TÀI CÔNG NGHỆ VÀ KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM 2018


Đăng ngày: Thứ Bảy, 09/03/2019 04:00 PM
view Lượt xem: 1760

Trong tháng 01 năm 2019, 04 giảng viên của khoa Sư phạm Kỹ thuật tiếp tục bảo vệ đề tài Công nghệ và Khoa học cấp trường năm 2018. Các đề tài đã phản ánh đúng thực trạng một số vấn đề của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, trên cơ sở đó, các tác giả đã đề xuất được một số các biện pháp nhằm góp phần giải quyết các vấn đề của sinh viên trong học tập và trong cuộc sống.

1. Đề tài: Nghiên cứu nhu cầu khởi nghiệp của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên của Giảng viên Lê Ngọc Phương

Vài năm trở lại đây, cụm từ start-up, hay còn gọi là khởi nghiệp trở thành một trào lưu được nhiều người quan tâm. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng được du nhập và phát triển mạnh mẽ. Với những đặc điểm nổi trội là ý tưởng mới, tính đột phá, công nghệ hiện đại và sự tăng trưởng, các start up mang đến những điều mới mẻ, tạo nên những con người mới, những trải nghiệm mới và cả cuộc sống mới.

Để thực hiện tốt chủ trương của Bộ GD-ĐT, Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT Hưng Yên cũng ra Quyết định ĐT “Ban hành kế hoạch triển khai dự án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” vào tháng 5 năm 2018, cũng như thành lập nhóm các cán bộ, giảng viên làm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Những hoạt động này sẽ giúp hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên ngày càng tốt hơn.

Khởi nghiệp ngoài ý tưởng thì đam mê là một yêu cầu luôn phải có, trong khi một bộ phận giới trẻ hiện nay lại khởi nghiệp theo trào lưu, phong trào. Vì vậy, để tìm hiểu nhu cầu thực sự của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên về khởi nghiệp là một điều rất quan trọng.

Nội dung chính của đề tài:

Hệ thống hóa những vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài nghiên cứu như Nhu cầu, khởi nghiệp…

- Nghiên cứu thực trạng nhu cầu khởỉ nghiệp, từ đó, chúng tôi đưa ra một số đánh giá và giải pháp nhằm hỗ trợ cho kế hoạch triển khai dự án “ Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đạt hiệu quả tốt hơn.

(Ths. Lê Ngọc Phương- giảng viên Khoa Sư phạm Kỹ thuật trong buổi bảo vệ đề tài Công nghệ và khoa học cấp trường)

2. Đề tài: Biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cho sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên của Giảng viên Trần Mai Duyên

NCKH là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình đào tạo ở các trường Đại học. Đây cũng là hình thức dạy học đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của nhà trường. Hoạt động NCKH mang lại những ý nghĩa thiết thực cho sinh viên. Bằng nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận, đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, các đề tài khoa học, NCKH sẽ rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, khả năng phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy lôgic, xây dựng tinh thần hợp tác,  các phẩm chất của nhà nghiên cứu, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên.

Để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của xã hội, các trường ĐH cần xác định rõ con đường cơ bản để sinh viên tiếp cận một cách nhanh nhạy, có hiệu quả những thành tựu của khoa học kĩ thuật và công nghệ đó là tổ chức cho sinh viên tham gia NCKH. Hoạt động NCKH giúp sinh viên nâng cao tầm hiểu biết, nhanh chóng thích nghi với việc vận dụng lí luận vào thực tiễn cuộc sống.

Nội dung chính của đề tài:

- Nghiên cứu lý luận về hoạt động nghiên cứu khoa học;

- Thực trạng NCKH của sinh viên  trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên;

- Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng NCKH cho sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

(Ths. Trần Mai Duyên - giảng viên Khoa Sư phạm Kỹ thuật trong buổi bảo vệ đề tài Công nghệ và khoa học cấp trường)

3. Đề tài: Nhu cầu tham vấn tâm lý của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên của Giảng viên Lê Thị Thu Thủy

Với sự phát triển của kinh tế, xã hội, sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập, giao lưu và phát triển. Song bên cạnh đó, sinh viên phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc sống thực tiễn như áp lực học tập, áp lực từ các mối quan hệ đa chiều, những thay đổi của môi trường sống,... khiến cho sinh viên lúng túng và gặp không ít khó khăn trong học tập, trong việc định hướng nghề tương lai.

Sinh viên được tham vấn và trợ giúp kịp thời của các chuyên gia tham vấn tâm lý để có sự tự tin và khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách

Nội dung chính của đề tài:

- Xây dựng cơ sở lý luận về tham vấn, nhu cầu tham vấn tâm lý: Khái niệm tham vấn, tham vấn tâm lý, nhu cầu tham vấn tâm lý, khó khăn tâm lý…

- Khảo sát thực trạng nhu cầu tham vấn tâm lý của sinh viên;  các khó khăn tâm lý của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên;

- Đề xuất các biện pháp đáp ứng nhu cầu tham vấn tâm lý cho sinh viên trường ĐH SPKT Hưng Yên.

(Ths. Lê Thị Thu Thủy - giảng viên Khoa Sư phạm Kỹ thuật trong buổi bảo vệ đề tài Công nghệ và khoa học cấp trường)

4. Đề tài: Thực trạng sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng của nó đến hoạt động học tập của sinh viên trường ĐHSPKT Hưng Yên của Giảng viên Hoàng Thị Ngọc

 Mạng xã hội đang trở thành một công cụ không thể thiếu với không ít người dùng trong cuộc sống. Đặc biệt là Facebook mang lại cho con người được quan tâm, chia sẻ và lắng nghe góp phần giúp con người gắn kết và gần nhau hơn xóa bỏ mọi khoảng cách địa lý. Và đặc biệt đối với sinh viên Facebook là một mạng xã hội giải trí quan trọng trong cuộc sống.

Việc lạm dụng facebook quá mức dẫn đến những hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Ảnh hưởng đến cuộc sống thực khi các bạn quá quen với thế giới ảo và kéo theo rất nhiều hệ lụy xấu cho tương lai sau này. Thế nên cần định hướng cho các bạn sinh viên nhận thức đúng đắn khi sử dụng  và sử dụng một cách có hiệu quả, biến nó trở thành một phương tiện hữu ích.

Nội dung chính của đề tài:

-Xây dựng cơ sở lý luận của đề tài về mạng xã hội, Facebook, ảnh hưởng của mạng xã hội đến học tập của sinh viên;

- Nghiên cứu thực trạng sử dụng mạng xã hội Facebook của sinh viên trường ĐHSPKT Hưng Yên.

- Đề xuất các giải pháp tăng cường nhận thức cho sinh viên, giúp sinh viên có khả năng sử dụng MXH Facebook một cách hợp lý phục vụ cho mục đích học tập và rèn luyện của bản thân.

(Ths. Hoàng Thị Ngọc - giảng viên Khoa Sư phạm Kỹ thuật trong buổi bảo vệ đề tài Công nghệ và khoa học cấp trường)

 

(Lê Thị Thu Thủy -  Giảng viên khoa SPKT)