Cảm xúc mái trường - Sầm Văn Đàm


Đăng ngày: Thứ Sáu, 20/06/2014 02:36 PM
view Lượt xem: 5481

Các bạn ạ, nếu tháng ngày học trò dưới mái trường phổ thông qua đi trong những mộng mơ đầu đời tinh khôi của tuổi mới lớn, thì có lẽ năm tháng sinh viên là những khoảnh khắc cho ta cảm nhận nhiều nhất về sự trưởng thành trước cuộc sống của bản thân. Cứ ngỡ khoảng thời gian 4 năm đại học sẽ dài lắm, nào ngờ chỉ là một thoáng thoi đưa. Tôi chợt nhớ đến những vần thơ của Phương Thảo:

“Chốc nữa thôi, giờ sẽ là năm ngoái

Ba ngày sau, giờ hóa ngày xưa

Nửa năm sau sẽ thành cổ tích

Chuyện hôm nay, ngày ấy kể như đùa

Cuộc đời này như chớp mắt thời gian”

Thời gian 4 năm học qua đi thật nhanh, mới thoáng đó thôi mà đã là Kỳ cuối, ba ngày nữa thôi là buổi học cuối – buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của tôi và các bạn trong lớp dường như lại tạo nên một “cảm xúc” riêng cho mỗi người đang ngấp nghé trước hành trang vào nghề. Những ngày này, mái trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên dường như rộn ràng hơn những ngày khác, với những lời thú tội, nhận lỗi chia tay lưu luyến hay những lời tỏ tình dễ thương chưa có dịp được trao của những bạn đã bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp. Dạo một vòng quanh sân trường, đâu đâu cũng thấy nữ sinh trong áo dài Việt Nam thật duyên dáng – không còn lại con gái kĩ thuật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến định luật, định lí rồi máy móc khô cứng, các bạn nam diện trong bộ quần âu, áo sơ mi – nhìn thật chững chạc, bảnh bao da dáng giám đốc, khác hẳn với mọi ngày chỉ quần bò với áo phông, những địa điểm đẹp trong trường luôn là khu vực hấp dẫn với các bạn nữ sinh, nơi đó luôn ngập tràn những tiếng “lách tách” chụp hình kỷ niệm, với đủ các tư thế chụp ảnh khác nhau mà đôi khi ta hay quen thuộc gọi với nhau là “tự sướng”, mỗi ngóc ngách của những giảng đường lớn đều được “khai thác triệt để”. Vui đến vậy mà sao tôi cảm thấy như mình sắp phải xa một cái gì đó rất đỗi quen thuộc.

Hình ảnh Sinh viên Sầm Văm Đàm

Là con em đồng bào dân tộc ở vùng núi phía bắc, nơi tôi ở chỉ cách Trung Quốc một con sông, việc học hành ở nơi đó cũng rất khó khăn, không có điều kiện học tập như các bạn ở dưới miền xuôi, có bạn thì đi học rất xa nhà, có bạn thì phải ở nội trú, có bạn thì phải bỏ học giữ chừng, có bạn thì phải bế em đến trường vừa học vừa trông em cho bố mẹ đi nương, mỗi người một hoàn cảnh các bạn ạ, cả tôi cũng nằm trong số đó, nghĩ lại thì biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp. Vì điều kiện học tập rất khó khăn nên việc suy nghĩ được xuống miền xuôi học tập trong trường đại học với chúng tôi là ước mơ quá xa vời. Nhờ có chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho đi học đại học để phát triển địa phương, nên tôi là một người may nắm hơn các bạn khác được lựa chọn để theo học, cảm xúc lúc đó là không biết mình sẽ được vào học ở ngôi trường nào cho tới ngày nhập học. Còn nhớ ngày đầu đặt chân tới đây, tôi cũng không hiểu thật rõ về ngôi trường công lập này. Nhưng tôi cảm nhận được một thứ tình cảm thật kì lạ! Một thứ cảm xúc khó có thể đặt tên, đó là sự ngỡ ngàng, lạ mà quen xen lẫn chút tự hào hãnh diện. Không còn là cái cảm giác sợ hãi, nhút nhát òa khóc vào lòng mẹ như ngày đầu tiên vào lớp 1. Cùng không còn là cảm giác rụt rè với những mơ ước trong sáng rất đỗi ngây thơ khi ngày đầu tiên bước vào cấp II. Và cũng chẳng còn cái cảm giác hồi hộp, lo âu như lúc bước vào cấp III. Đã bao lần trải qua cái cảm giác của “ngày đầu tiên đi học” nhưng sao lần này khác quá, một cảm giác lạ, một cảm xúc mới. Tôi đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ, dường như cảm xúc đang nói với suy nghĩ tôi: “Ta đã lớn rồi – đã chính thức là sinh viên rồi!”. Bước chân tôi giờ đã chững chạc và tự tin để bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới, nhiều khó khăn thử thách nhưng cũng tràn ngập những kỷ niệm đẹp đang đón chờ ta phía trước.

Khi còn học phổ thông, ở đâu đó tôi đã nghe thấy thầy cô nói việc học tập ở đại học là rất khó, không còn phân biết môn chính, môn phụ, môn học khối, môn mình thích học gì nữa mà ngược lại, môn nào cũng rất quan trọng, tất cả đều là môn chính. Mà học ở đại học đúng là khó thật, bản thân tôi và một số bạn cử tuyển khác trong lớp luôn biết rõ điều này, việc học ở đại học với chúng tôi còn khó gấp bội phần so với các bạn ở dưới xuôi, vì chúng tôi có phải thi đại học đâu, thi còn ko biết có đỗ ko ấy, được nhà nước hỗ trợ cho đi học cơ mà, nhưng biết làm sao được, phải cố gắng học để theo kịp lớp, kịp các bạn ở dưới miền xuôi thôi, ko thì sẽ bị bỏ lại ở phía sau mất. Thế là thoáng một cái đã 4 năm đi qua, tôi đã vượt qua từng ấy môn học, cũng đã có môn mà bản thân nguyện sẽ cố ấy, ấy thế mà rủi ro vẫn cứ diễn ra, vẫn trượt như thường, chúng tôi lại nhìn nhau mà động viên “cố gắng lần sau nhé, không trượt không phải là sinh viên”, thế đấy, một câu nói rất sinh viên. Tổng kết năm thứ 4 rùi, kết quả học tập tôi thu nhận được không thực sự cao, nhưng đó là kết quả mà tôi thấy rất tự hào về bản thân mình, đương nhiên trong lòng lúc nào cũng suy nghĩ là phải cố gắng thêm. Tôi còn nhớ những buổi thức thâu đêm học bài trong mùa thi đến cùng với cậu bạn cùng quê, cùng phòng, cùng học từ cấp 1 cho đến đại học, có môn thì phải học thuộc dài đằng đẳng, môn thì toàn tích phân với vi phân, đạo hàm gì ấy, mà chúng tôi thì ko thực sự nhận thức tốt lắm về cái này, mà tóm lại đúng là đại học thì môn nào cũng khó thật. Thi qua rồi, nhắm mắt lại thì vẫn mỉm cười tự nhủ “mình phục mình quá!”. Đúng là việc học tập thi cử đời sinh viên thật vất vả các bạn nhỉ, tôi lại chợt nhớ vần thờ của Tú Xương để diễn tả cái khó của việc học tập thi cử: “Học đã sôi cơm nhưng chưa chín, thi không ngậm ớt thế mà cay”. Hay câu nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”. Ngạn ngữ Nga có câu “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”.

Có ai đó đã nói với tôi rằng, thành công không phải là đích đến, nó là một hành trình liên tục không bao giờ kết thúc. Khi bạn bị ngã, phản ứng đầu tiên là bạn phải cố gượng dậy; bạn không thể nằm mãi ở nơi mình bị ngã; cuộc sống không đợi bạn. Henry Ford, người sáng lập tập đoàn xe hơi Ford, có một câu nói rất hay về điều này: “Mỗi lần thất bại là thêm một cơ hội để bắt đầu khôn ngoan hơn” Để chế tạo được một cái accquy hoàn chỉnh, Edison đã phải làm gần 10000 thí nghiệm khác nhau. Ngay cả khi thất bại như vậy, ông vẫn bảo với nhân viên của mình: ”Ít ra chúng ta cũng thành công, rằng chắc chắn có khoảng 10000 cách tạo accquy không họat động được ” J.K. Rowling, tác giả của cuốn Harry Potter, từng bị 12 nhà xuất bản từ chối in cuốn truyện mà sau này trở thành nền công nghiệp giải trí. Nhìn lại nhưng thiên tài đó, tôi thấy mình thật nhỏ bé, mà không biết mình còn bé cơ nào, mà đôi khi ý chí và nghị lực thì cũng chưa bằng, phải thật cố gắng thì mới đi đến đích được, đúng như Nguyễn Bá Học đã nói: “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Sẽ nhớ lúc tôi và các bạn lang thang các quán trà đá, các quán kem, trà sữa họp hành. Sẽ nhớ lúc ta giận nhau như người dưng, để rồi khi thấy khuôn mặt ấy, nụ cười ấy, ta lại bên cạnh nhau như chưa từng có chuyện gì. Sẽ nhớ lúc lo lắng cho nhau về những chuyện thường nhật trong cuộc sống, ta đóng vai một ông cụ, bà cụ non sâu lắng hiểu đời dù chưa một lần trải nghiệm. Sẽ nhớ những cuộc vui... chêm vào những nỗi buồn vụn vặt...

Khoảng thời gian học tập dưới mái trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Hưng Yên thật tuyệt vời không những đối với tôi mà còn của nhiều tân sinh viên như tôi. Chúng tôi hiểu và yêu Trường, yêu ngành Giáo viên SPKT mà tôi đã chọn, và tin tưởng với sự lựa chọn của mình. Dưới sự dìu dắt nâng đỡ của các thầy cô giáo, tôi tự thấy rõ nét hơn con đường đi của riêng mình và tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình đối với nhà trường và xã hội. Là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng tôi sẽ nguyện không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội để có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của nhà trường và của đất nước, đưa đất nước ta trở thành một nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã căn dạy.

Giờ còn lại là những ngày cuối để chuẩn bị cho buổi bảo vệ tốt nghiệp, cũng mang một nét rất riêng, rất lạ. Cả lớp mình hãy cùng nắm tay để có một kết quả thật cao các bạn nhé. Hy vọng mỗi chúng ta sẽ luôn nhớ lúc... nhớ lúc... nhớ lúc... ta bên nhau!

Nguồn tin: LCĐ Sư phạm Kĩ thuật