NHÓM 01 BẢO VỆ ĐỀ TÀI CÔNG NGHỆ VÀ KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG NĂM 2018


Đăng ngày: Thứ Năm, 31/01/2019 05:19 AM
view Lượt xem: 868

Ngày 03 tháng 01 năm 2019 tại phòng Thực hành Máy tính, các giảng viên khoa Sư phạm Kỹ thuật đã bảo vệ thành công các đề tài Công nghệ và Khoa học cấp trường.

Hội đồng bảo vệ đề tài Công nghệ và Khoa học cấp trường của Giảng viên Nguyễn Thị Duyên và Nguyễn Thị Liễu gồm:

  1. TS. Đỗ Thế Hưng – Chủ tịch Hội đồng
  2. TS. Nguyễn Thế Dân – Phản biện
  3. Ths. Lê Thị Thương – Thư ký
  4. Ths. Nguyễn Hữu Hợp - Ủy viên
  5. Ths. Lê Thị Thu Thủy - Ủy viên

1. Đề tài: Bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề cho giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông của Giảng viên Nguyễn Thị Duyên.

Tham vấn nghề ở trường phổ thông có tầm quan trọng đặc biệt, cung cấp và hướng dẫn học sinh cách tìm những thông tin nghề nghiệp, hệ thống đào tạo và thị trường lao động một cách có hệ thống, giúp học sinh có thể lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội. Ở Việt Nam, hoạt động tham vấn nghề trong trường phổ thông chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy môn công nghệ đảm nhiệm – Đội ngũ này không được đào tạo chính quy về lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng kỹ năng tham vấn nghề và xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề của giáo viên phổ thông trong thời điểm hiện nay là rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tham vấn nghề trong trường phổ thông tại Việt Nam

Chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề cho giáo viên phổ thông được xây dựng và thực hiện sẽ góp phần nâng cao kỹ năng tham vấn nghề của giáo viên phổ thông nhờ đó học sinh phổ thông có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân. Từ đó, hoạt động tham vấn nghề nói riêng và giáo dục hướng nghiệp nói chung nâng cao hiệu quả.

Đề tài tập trung vào những nội dung nghiên cứu chính sau đây:

-  Xây dựng cơ sở lí luận của việc bồi dưỡng  kỹ năng tham vấn nghề cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông;

- Khảo sát thực trạng kỹ năng tham vấn nghề của giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông;

- Xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề cho làm công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông;

- Tổ chức thực nghiệm sư phạm nhằm xác định tính hiệu quả và tính khả thi của chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông.

(Ts. Nguyễn Thế Dân đọc phản biện đề tài của giảng viên Nguyễn Thị Duyên)

Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những yêu cầu của Bộ Giáo dục đưa ra cho toàn ngành thực hiện trong năm học 2017-2018 là bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nhiệp trong các trường trung học phổ thông, từng bước nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh có nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu về kỹ năng tham vấn nghề và xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng tham vấn nghề cho giáo viên phổ thông là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ có tác dụng làm căn cứ khoa học để Bộ giáo dục, các trường Sư phạm xây dựng và thực hiện bồi dưỡng kỹ năng giáo dục hướng nghiệp nói chung và kỹ năng tham vấn nghề nói riêng cho giáo viên các trường phổ thông.

(Ths. Nguyễn Thị Duyên báo cáo và trả lời câu hỏi của Hội đồng bảo vệ)

2. Đề tài: Dạy học nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm kĩ thuật theo quan điểm sư phạm tích hợp của giảng viên Nguyễn Thị Liễu.

Đào tạo giáo viên kĩ thuật là sứ mạng, nhiệm vụ của các trường đại học sư phạm kĩ thuật. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên kĩ thuật là nhiệm vụ thường xuyên ở các trường đại học sư phạm kĩ thuật. Có nhiều cách thức, biện pháp, con đường nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên kĩ thuật trong đó áp dụng quan điểm sư phạm tích hợp trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm là một trong những chiến lược phù hợp.

Sư phạm tích hợp là quan điểm sư phạm được vận dụng nhiều trong dạy học ở các cấp, trình độ giáo dục và đào tạo khác nhau. SPTH chủ trương phát triển ở người học những “năng lực mong đợi” bằng cách thực hiện nhất quán trong tích hợp mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, trong lựa chọn phương pháp, phương tiện và điều kiện dạy học, trong kiểm tra đánh giá kết quả năng lực đạt được của người học.

(Ths. Nguyễn Thị Liễu báo cáo nội dung đề tài Công nghệ và Khoa học)

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, với nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển nền công nghiệp lần thứ 4 thì nguồn lao động trong đó có đội ngũ giáo viên kĩ thuật cần có những năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu sự phát triển xã hội, của ngành nghề. Do đó, vận dung quan điểm SPTH – quan điểm hướng tới phát triển những năng lực cần thiết cho người học là chiến lược phù hợp trong đào tạo giáo viên kĩ thuật.

Đề tài tập trung vào các nội dung nghiên cứu chính sau đây:

  1. Xây dựng cơ sở lý luận về dạy học nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm kĩ thuật theo quan điểm sư phạm tích hợp;
  2. Khảo sát thực trạng dạy học nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm kĩ thuật;
  3. Xây dựng quy trình dạy học nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm kĩ thuật theo quan điểm sư phạm tích hợp.

(Các thầy cô trong Hội đồng đang trao đổi và đặt câu hỏi về đề tài của giảng viên Nguyễn Thị Liễu)

Vận dụng quan điểm sư phạm tích hợp vào dạy học nghiệp vụ sư phạm nhằm nâng cao chất lượng dạy học, năng lực của sinh viên là việc làm cần thiết và có hiệu quả ứng dụng cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố dưới hình thức một bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước. Các nhà khoa học, giảng viên, sinhh viên có thể tham khảo bài báo và ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong công tác giảng dạy nghiệp vụ sư phạm tại các trường đại học sư phạm kĩ thuật.

3. Đề tài: Xây dựng tài liệu tự học môn Kỹ thuật số theo tiếp cận thuyết nhận thức cho sinh viên SPKT Điện trường đại học SPKT Hưng Yên.

Hội đồng bảo vệ đề tài Công nghệ và Khoa học cấp trường của Giảng viên Nguyễn Thị Cúc:

  1. TS. Đỗ Thế Hưng – Chủ tịch Hội đồng
  2. TS. Vũ Hồng Sơn – Phản biện
  3. Ths. Lê Thị Thương – Thư ký
  4. TS. Nguyễn Thế Dân – Ủy viên
  5. Ths. Nguyễn Hữu Hợp - Ủy viên

Trong đào tạo tín chỉ nhiệm vụ tự học của sinh viên được xác định là rất quan trọng. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho sinh viên tự học có hiệu quả thì tính cấp thiết đặt ra là cần có đầy đủ cơ sở vật chất, tài liệu học tập, thậm chí là những chương trình học tập thích ứng với trình độ, phong cách học tập của người học thì mới đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó thuyết nhận thức đề cao vai trò nhận thức của người học trong quá trình học tập, quá trình học tập là quá trình người học xử lý thông tin. Tuy nhiên xử lý thông tin chính xác thì cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu phù hợp, các yếu tố tác động đến quá trình cảm giác, tri giác thích hợp không gây nhiễu cho quá trình tiếp nhận. Thuyết nhận thức nghiên cứu quá trình nhận thức của người học để xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến học tập và định hướng trong thiết kế giảng dạy. Vậy để đưa được những ứng dụng của thuyết nhận thức vào trong dạy học kỹ thuật, đặc biệt là trong thiết kế giảng dạy là điều hết sức quan trọng. Do đó, chúng tôi định hướng đến ứng dụng cơ sở khoa học của thuyết nhận thức trong thiết kế tài liệu tự học môn kỹ thuật để nâng cao chất lượng học tập các môn kỹ thuật của sinh viên SPKT Điện trường ĐHSPKT Hưng Yên.

Đề tài tập trung vào 3 nội dung nghiên cứu chính sau đây:

1) Cơ sở lí luận về xây dựng tài liệu tự học môn Kỹ thuật số theo tiếp cận thuyết nhận thức;

       2) Đánh giá thực trạng xây dựng tài liệu tự học môn Kỹ thuật số theo tiếp cận thuyết nhận thức tại trường ĐHSPKT Hưng Yên;

      3) Quy trình triển khai đưa tài liệu tự học vào quá trình học tập cho SPKT Điện trường ĐH SPKT Hưng Yên.

(Ths. Nguyễn Thị Cúc báo cáo nội dung đề tài trong buổi bảo vệ)

Xây dựng tài liệu tự học môn Kỹ thuật số theo tiếp cận nhận thức cho sinh viên SPKT Điện trường đại học SPKT Hưng Yên là đề tài thiết thực trong dạy học và nâng cao được chất lượng tự học cho sinh viên. Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố dưới hình thức một bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước. Các nhà quản lý, các nhà khoa học có thể tham khảo bài báo và ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

(Ths. Lê Thị Thương - thư ký đọc nhận xét, đánh giá và kết quả bảo vệ đề tài Công nghệ và Khoa học cấp trường của các giảng viên khoa Sư phạm Kỹ thuật)

 

(Lê Thị Thu Thủy - Giảng viên khoa SPKT)