KHỞI NGHIỆP VÀ TINH THẦN KHỞI NGHIỆP


Đăng ngày: Chủ Nhật, 20/01/2019 08:17 AM
view Lượt xem: 1293

Ngày 19 tháng 01 năm 2019, tại Phòng Thực hành máy tính của khoa Sư phạm Kỹ thuật Ths. Nguyễn Hữu Hợp và Ths. Lê Ngọc Phương báo cáo chuyên đề về Khởi nghiệp và Tinh thần khởi. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh, ngay cả ở giảng đường đại học. Nhà trường chủ động kết nối, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp, nuôi dưỡng ý tưởng, phát triển dự án khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  

Theo Investopedia, startup là công ty đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động. Những công ty đang ở trong giai đoạn này thường được cấp vốn bởi chính những người sáng lập viên để phát triển sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có nguồn cung. Do nguồn thu hạn hẹp và chi phí cao, hầu hết các startup với quy mô nhỏ thường không ổn định trong dài hạn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư.

Một số từ điển thông dụng của Mỹ và Anh giải nghĩa startup là công ty mới thành lập. Một đặc điểm then chốt gắn liền với các startup là khả năng tăng trưởng. Đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt startup với doanh nghiệp nhỏ. Một doanh nghiệp nhỏ sẽ được vận hành trong một phạm vi nhất định và được giới hạn bởi người sáng lập. Doanh nghiệp nhỏ cũng muốn phát triển càng nhanh càng tốt tuy nhiên bị giới hạn bởi yêu cầu trước tiên là lợi nhuận – điều này đi ngược lại với startup.

(Thầy Lê Ngọc Phương - Giảng viên khoa SPKT, báo cáo viên phân tích kh5ái niệm Khởi nghiệp - Sartup)

Trong vài năm gần đây, startup thường bị nhầm lẫn là một công ty công nghệ. Tuy nhiên, đây chỉ là một đặc tính tiêu biểu của startup bởi mục tiêu tăng trưởng cao, ý tưởng thành lập mới mẻ. Startup có thể là bất kỳ lĩnh vực nào không phải chỉ giới hạn mỗi công nghệ thông tin mà thôi. Startup có thể là bên lĩnh vực du lịch, kinh doanh,…..

Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có nhiều startup. Nổi bật có thể kể đến như Uber, Dropbox, Snapchat,… Ở Việt Nam, thì có Foody, Lozi, Vé xe rẻ, Giao hàng nhanh, Triip.me….

Những thuật ngữ cần hiểu rõ về khởi nghiệp là Founder, Bootstrapping, Funding.

Founder: người sáng lập/ nhà sáng lập. Đối với Startup, “Founder” là một hoặc một vài người tìm ra một ý tưởng mới và muốn phát triển nó thành một sản phẩm/ dịch vụ cụ thể.

VD: Mark zuckerberg - founder của Facebook, Lê Hồng Minh - founder của VNG, …

Bootstrapping: Tự lực. Startup sẽ sử dụng nguồn vốn nội lực để thực hiện ý tưởng của mình. Thường đây sẽ là giai đoạn đầu tiên khi bắt đầu, doanh nghiệp không cần quá nhiều vốn, và ý tưởng cũng chưa đủ lực để thu hút vốn từ các nhà đầu tư. Một số Startup có nguồn vốn lớn, quá trình tự lực sẽ kéo dài hơn.

Funding: Gọi vốn. Khi nguồn vốn tự lực không còn đủ để duy trì và tiếp tục phát triển ý tưởng, các startup phải tiến hành kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Quá trình có thể trải qua nhiều vòng và với mỗi lần kêu gọi vốn, doanh nghiệp startup sẽ được định giá lại.

(Thầy Lê Ngọc Phương phân tích các thuật ngữ và trả lời các câu hỏi của các giảng viên Khoa SPKT về Khởi nghiệp)

(Thầy Lê Ngọc Phương phân tích về Tư duy Khởi nghiệp)

Những vòng gọi vốn mà các Startup có thể trải qua:

Crowd Founding: Gọi vốn cộng đồng. Thường nên là vòng đầu tiên để kêu gọi vốn từ các vườn ươm. Ở vòng đầu tiên này, bạn nên quan tâm đến thuật ngữ "Incubator hay Accelerator".

Incubator/ Accelerator: Vườn ươm. Giai đoạn đầu trong vòng gọi vốn cộng đồng, khi các Startup bắt đầu kêu gọi đầu tư hoặc cả khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, họ có thể liên hệ sự hỗ trợ từ các vườn ươm. Vườn ươm hay còn được gọi là các tổ chức hỗ trợ tăng tốc khỏi nghiệp. Những tổ chức này sẽ đứng ra tư vấn các vấn đề về pháp lý, chính sách, chuyên môn, không gian làm việc và vốn cho các Startup nhằm mục đích chính là giúp Startup có được những khách hàng đầu tiên và dễ dàng kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư sau này.

Seed Round: Vòng hạt giống là khi các Startup kêu gọi và nhận vốn đầu tư từ nhà đầu tư thiên thần. Angel Investor: Nhà đầu tư thiên thần, là những nhà đầu tư có số vốn nhỏ, thường là những nhà đầu tư cá nhân và thân quen với bạn như gia đình, bạn bè, người thân,...

Giai đoạn đầu các Startup chưa có kinh nghiệm và uy tín, sản phẩm mới vẫn còn trong trứng nước sẽ khó để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư lớn hơn. Số tiền đầu tư trong giai đoạn này thường không lớn đủ đến khi sản phẩm thực sự phát triển và mang về doanh thu. Do đó, bạn cần bước vào vòng cấp vốn.

Serial Rounds: Vòng cấp vốn. Serial A là vòng cấp vốn đầu tiên từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Các vòng B, C, … tiếp theo có cần thiết hay không phụ thuộc vào đặc thù và quy mô của từng doanh nghiệp.

Capital Investor: Nhà đầu tư tài chính. Là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thường quản lý những quỹ đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư tài chính thường chỉ rót vốn vào những Startup đã có khách hàng, có doanh thu và đang trong giai đoạn mở rộng phát triển. Do đó, để thành công trong giai đoạn này, các Startup nên cố gắng đem về những thành công nhất định trước khi tìm gặp các nhà đầu tư.

Strategic Investor: Nhà đầu tư chiến lược vừa đầu tư tài chính vừa cùng làm việc với Startup. Họ sẽ là người hỗ trợ Startup rất nhiều trong quá trình phát triển công ty.

Quỹ đầu tư mạo hiểm - Venture Capital. Một quỹ đầu tư mạo hiểm thường là đồng sở hữu của rất nhiều nhà đầu tư tài chính. Do đó, để lấy được nguồn quỹ này, các Startup sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thuyết phục các nhà đầu tư.

Khi này, Startup tiếp tục cần tìm hiểu về các kỹ thuật "Piching" để thuyết phục nhà đầu tư. Thuyết trình với những dẫn chứng thuyết phục mang đến thành công cho Startup.

Piching: Thuyết trình. Vấn đề quan trọng nhất quyết định việc kêu gọi vốn có thành công hay không là thuyết trình. Startup phải trình bày như thế nào để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và họ cảm thấy mình sẽ được những lợi ích gì khi đầu tư phát triển dự án này. Một số kinh nghiệm cho thấy rằng Startup nên chuẩn bị Slides thuyết trình ngắn gọn, đơn giản, tập trung trong 10 Slides và nêu được điều cốt lõi.

(Thầy Nguyễn Hữu Hợp - Trưởng khoa SPKT, báo cáo viên phân tích về các vòng gọi vốn đầu tư và kỹ thuật piching)

Tinh thần khởi nghiệp là gì?

Cụm từ Entrepreneurship, theo giáo sư Howard Stevenson (Giáo sư đầu ngành kinh tế của Harvard Business School- HBS) giải thích như sau:

Entrepreneurship is the pursuit of opportunity beyond resources controlled

Trong đó các cụm từ:

Pursuit chính là sự theo đuổi, thái độ, niềm tin và hành động của một người khởi nghiệp.

Opportunity chính là cơ hội mới, mô hình kinh doanh mới tốt hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn hoặc các đối tượng khách hàng mới.

Beyond resources controlled  chính là  vượt quá các nguồn lực bị/được kiểm soát – người khởi nghiệp phải vượt qua các nhân tố cản trở bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp bằng cách quản lý những rủi ro để tiếp cận và tận dụng các nguồn lực hiện có.

(Thầy Nguyễn Hữu Hợp phân tích về ý tưởng khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp)

 

(Lê Thị Thu Thủy - Giảng viên khoa SPKT)