ĐÀO TẠO NGHỀ THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC (APC)


Đăng ngày: Thứ Bảy, 22/12/2018 10:19 PM
view Lượt xem: 2048

Tháng 01 năm 2019, Ths. Nguyễn Thị Cúc báo cáo chuyên đề về Đào tạo nghề theo hướng tiếp cận năng lực (APC). Việt Nam đang bước vào giai đoạn hành động với qui mô rộng lớn để có thể đáp ứng tốt nhất các thử thách đang đặt ra cho đất nước. Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm vững các ngành công nghệ mới, đa năng để thích ứng nhanh với các thay đổi và có thể đáp ứng tiêu chuẩn của các nước trong khu vực. Thật vậy, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay không phải lúc nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Sự bất đối xứng giữa nhu cầu của thị trường lao động và nguồn nhân lực đã được đào tạo là sự lãng phí chất xám, đồng thời cũng lãng phí thời gian và tiền bạc của tầng lớp thanh niên, gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA) đã ưu tiên giảng dạy năng lực và thái độ nghề nghiệp, trong môi trường thực hành tương ứng với điều kiện thực tế của thị trường lao động. Đó là giảng dạy theo phương pháp tiếp cận theo năng lực (gọi tắt là phương pháp APC). Trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ giữa MOLISA và các đối tác của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF và Hiệp hội thúc đẩy Giáo dục và Đào tạo ở nước ngoài APEFE.

Phương pháp tiếp cận theo năng lực cho phép giáo viên dạy nghề có thể đổi mới, lĩnh hội các công cụ và phương pháp mới cũng như cải thiện chất lượng đào tạo. Vì vậy, đào tạo nghề đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp và thu hút thêm nhiều người học. Đã có hàng chục cán bộ và giáo viên của các trường được đào tạo theo phương pháp mới để có thể triển khai chương trình giảng dạy mang lại hiệu quả cao hơn và đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN.

Các giai đoạn trong quy trình phương pháp luận đào tạo theo tiếp cận năng lực (APC) :

Giai đoạn 1 : Nghiên cứu lĩnh vực và nghiên cứu sơ bộ

Nghiên cứu lĩnh vực và nghiên cứu sơ bộ trước hết nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những thông tin chủ yếu, hỗ trợ việc ra quyết định liên quan đến những nghề được đào tạo, nhưng cũng có thể cải tiến hai loại hình nghiên cứu này sao cho phù hợp với  nhu cầu của các nghề bán chuyên nghiệp. Việc phân tích sâu môi trường kinh tế và thị trường lao động có thể giúp làm sáng tỏ nhu cầu đào tạo và khả năng hội nhập của những nghề bán chuyên nghiệp, và như vậy mở ra những đường hướng mới cho việc sử dụng những thanh niên không có đủ kiến thức phổ thông để học nghề.

        (Cô Nguyễn Thị Cúc - Giảng viên khoa SPKT báo cáo viên phân tích quy trình phương pháp luận đào tạo theo tiếp cận năng lực)

    Giai đoạn 2 : Phân tích thực trạng nghề bao gồm các mục tiêu: Phân tích thực trạng công việc (AST) và xác định các danh sách năng lực của nghề.

Mục tiêu của việc Phân tích thực trạng công việc (AST) là: thu thập thông tin chung về ngành nghề, bản chất của ngành nghề, yêu cầu đối với người gia nhập thị trường lao động, triển vọng về việc làm và lương hướng ; xác định các nhiệm vụ và thao tác cụ thể mà người hành nghề được phân tích phải thực hiện, điều kiện thực hiện các công việc cụ thể này và tiêu chí hiệu năng ; xác định những kiến thức, kỹ năng và thái độ được cho là cần thiết để hành nghề và thu thập thông tin để triển khai một chương trình đào tạo hoặc một chế độ học việc. Phân tích thực trạng công việc (AST) tập trung tìm hiểu tình hình thực tế của nghề và tình hình của những người hành nghề. Phân tích thực trạng công việc không nhằm phát triển chương trình đào tạo mà cung cấp toàn bộ những thông tin cần thiết để soạn thảo những tài liệu sư phạm sẽ được sử dụng để triển khai chương trình đào tạo. Công việc này cũng nhằm đảm bảo rằng tất cả những thành tố của ngành nghề đều được tính đến khi xây dựng chương trình đào tạo và nhằm xác định giới hạn của ngành nghề, để tránh sự trùng lắp giữa các chương trình đào tạo. 

        (Cô Nguyễn Thị Cúc phân tích về thực trạng nghề )

Trên cơ sở phân tích các nhiệm vụ, thao tác của nghề do các chuyên gia nghề cung cấp, các giáo viên sẽ phân tích, xác định các năng lực trong chương trình đào tạo trong các nhà trường. 

Giai đoạn 3: Phát triển giảng dạy

  Căn cứ vào Hồ sơ năng lực của nghề (Bộ chuẩn năng lực – nghề) các giáo viên sẽ xây dựng bộ chuẩn đào tạo, bộ chuẩn đánh giá, tài liệu hướng dẫn giảng dạy và tài liệu hướng dẫn tổ chức cơ sở vật chất.

  (Cô Nguyễn Thị Cúc phân tích nội dung giai đoạn Phát triển giảng dạy)

 

(Lê Thị Thu Thủy - Giảng viên khoa SPKT)